Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre

trong-xen-canh-mang-hieu-qua-kinh-te-cao

Bến Tre có nền sản xuất nông nghiệp rất phong phú và đa dang với các loại hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản được phân bố trên 3 vùng sinh thái ngọt, lợ và mặn. Trong những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều loại dịch hại trên cây trồng, vật nuôi phát triển, đồng thời giá cả nông sản không ổn định đã làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Vượt qua những thách thức khó khăn, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị một cách hiệu quả.

mo-hinh-trong-co-xen-vuon-dua
Mô hình trồng cỏ xen vườn dừa.

Trong đó phải kể đến chuỗi giá trị dừa ở Bến Tre được xây dựng và ngày càng phát triển. Đến nay các địa phương đã thành lập 28 HTX, 32 THT với quy mô 5.648,6 ha và 6.226 thành viên tham gia. Trong thời gian qua sản xuất dừa Bến Tre có bước chuyển biến quan trọng; đó là sự tăng nhanh về diện tích sản xuất hữu cơ, đến cuối năm 2022 tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 17.293,37 ha, chiếm 22,39% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh, (77.778 ha) đạt 200% kế hoạch 2044/KH-SNN năm 2022 và tăng 891,7 ha so với năm 2021. Trong đó diện tích dừa đạt chứng nhận hữu cơ là 10.898,97ha. Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), Nhật (JAS) và Liên Minh Châu Âu (EU). Nâng tổng diện tích vườn dừa có thực hiện liên kết chuổi giá trị là 19.517,5 ha chiếm 25,3% diện tích dừ a toàn tỉnh.

Đối với cây bưởi có tổng diện tích là 9.442 ha, diện tích sản xuất đạt chứng nhận VietGAP hiện có 388,5 ha chiếm 3,8% diện tích bưởi. Hiện nay các mô hình sản xuất Bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS đã được thực hiện với quy mô 5 ha tại xã Tân Trung huyện Mỏ Cày Nam và 5 ha tại xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm.

Cây lúa có vùng canh tác lúa-tôm huyện Thạnh Phú với diện tích 4.000-4.200 ha sản xuất lúa tôm là địa điểm thuận lợi phát triển sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh. Hiện Thạnh Phú đã thành lập Hợp tác xã lúa-tôm và đã tổ chức sản xuất lúa hữu cơ được chứng nhận quy mô 100 ha. Rau màu có diện tích canh tác toàn tỉnh là 4.020 ha được trồng tập trung ở các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại cung cấp sản lượng 84.270 tấn. Diện tích rau sản xuất được chứng nhận VietGAP đạt 13,8 ha, diện tích đạt chứng nhận rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS là 1,3 ha ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam bước đầu đã cung cấp cho thị trường một số phẩm đạt chất lượng an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

trong-xen-canh-mang-hieu-qua-kinh-te-cao
Mô hình trồng vườn rau ao cá.

Các hoạt động sản xuất chăn nuôi của Bến Tre phát triển khá mạnh, nhiều hộ gia đình đã đầu tư với các hình thức chăn nuôi tập trung qui mô lớn. Hàng năm cung cấp 1 lượng phân chuồng rất lớn. Đây là một trong những nguồn nguyên liệu để ủ phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng. Theo số liệu thống kê 2021 tổng đàn là 8.992.495 con, trong đó: đàn heo 327.898 con và đàn bò 226.597 con, đàn gia cầm 8.438.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 146.844 tấn; trong đó, heo 73.520 tấn, bò 29.920 tấn, gia cầm 43.404 tấn. Từ năm 2018 -2020 đã xây dựng được 30 trang trại đạt chứng nhận VietGAHP. Đây là một trong những giải pháp để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định bền vững trong thời gian tới.

Ngành nuôi trồng thủy sản Bến Tre phát triển khá mạnh với diện tích 45.087 ha, sản lượng 531.303 tấn. Tính từ năm 2015-2020 diện tích nuôi trồng thủy sản giảm nhẹ nhưng sản lượng tăng bình quân 3,92%/năm. Trên địa bàn tỉnh có 40 cơ sở sản xuất theo hướng trang trại, 19 tổ hợp tác, 10 hợp tác xã nuôi thủy sản, 04 cơ sở sản xuất giống cá tra chất lượng cao để cung ứng cho các vùng nuôi của doanh nghiệp, hộ nuôi. Ngoài ra, có 09 cơ sở được chứng nhận Global GAP, 06 cơ sở được chứng nhận ASC, 01 cơ sở được chứng nhận BAP và 11 cơ sở được chứng nhận VietGAP.

Với những kết quả, thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp là nền tảng vững chắc cho việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Đây cũng là một giải pháp tối ưu để duy trì và phát triển nền sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững thân thiện môi trường và là xu thế tất yếu của thời kỳ hội nhập. Vừa qua, Liên Hiệp các hội Khoa học kỹ thuật đã tổ chức Hội thảo “ Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Bến Tre”. Đây là bước khởi động tích cực cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Bến Tre, cũng là quá trình chuyển đổi thật sự cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *