Sầu riêng là loại cây ăn trái chủ lực ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đem lại thu nhập cao cho người trồng. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt và cho năng suất cao thì yêu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc cần được chú trọng. Dưới đây là một số kỹ thuật quan trọng cần lưu ý khi trồng và chăm sóc sầu riêng.
Yêu cầu sinh thái
Sầu riêng phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ 24-30 độ C, độ ẩm 75-80%, độ cao dưới 800m so với mực nước biển. Lượng mưa thích hợp 1600-2500 mm/năm. Không nên trồng ở vùng quá khô hạn hoặc ngập úng thường xuyên.
Lựa chọn đất trồng
Đất trồng cần thoát nước tốt, có độ pH 5-6,5. Tránh các loại đất cát, đất sét nặng hoặc đất chua mặn. Nên chọn đất sâu, tầng canh tác trên 1m, hàm lượng mùn cao. Cần chuẩn bị đất kỹ càng trước 1 năm trồng.
Thiết kế vườn trồng
Đất thấp hay đất bằng: Cần lên líp. Tùy theo đất, mương có thể rộng từ 2 – 3 m và líp rộng từ 5 – 6 m. Khi lên líp, hạn chế mang tầng phèn dưới sâu lên mặt líp. Các mương thông với nhau và thông với mương chính thoát nước ra khỏi vườn. Mặt líp có dốc dạng mai rùa để thoát nước
Đất có độ dốc: Nên bố trí hàng cây theo đường đồng mức. Giữa các hàng có mương cạn thoát nước và mương chính dẫn nước ra ngoài. Nếu vị trí trồng có nguy cơ bị nước tràn, nên làm đê bao kết hợp mương thoát nước xung quanh vườn.
Khoảng cách trồng 7mx8m. Quanh vườn trồng cây gió để chắn gió.
Trồng cây phủ đất
Có thể trồng cây phủ đất ngắn hạn như chuối, dài hạn như măng cụt, bòn bon để tăng thu nhập. Cây phủ đất cũng làm mát và giữ ẩm cho đất.
Kỹ thuật trồng
Nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5-6) để tận dụng nước mưa. Nếu chủ động tưới có thể trồng ở những thời điểm khác. Đào hố trồng 0,6 x 0,6 x 0,6 m; đất không tốt nên đào to hơn. Bón lót mỗi hố 10 -20 kg phân hữu cơ hoai; 0,4 – 0,8 kg phân NPK 16-16-8 hoặc 20-20-15. Phân bón trộn với đất mặt và cỏ, rơm rạ mục cho vào hố, lắp hố cao tạo thành mô trồng. Bón thêm vôi 1 – 2 kg/hố nếu đất hơi chua. Cắm cọc đánh dấu giữa hố. Khoảng 2 tuần sau có thể trồng cây.
Khi trồng, đào một hố nhỏ giữa mặt hố trồng. Tháo bỏ túi nhựa quanh bầu đất, lấy cây con đặt vào hố trồng, lấp đất vừa bằng mặt mô trồng. Sau trồng, cần che mát cho cây con; khi cây hồi phục và ra lá non, tháo dần lưới che mát để cây làm quen với ánh nắng. Cắm 3 cọc quanh cây và buộc cố định cây với cọc. Tủ gốc cho cây con và tưới nước thường xuyên nếu trời không mưa. Nhổ cỏ và xới xáo nhẹ đất quanh tán khi đất bị đóng váng.
Chăm sóc
– Tỉa cành tạo tán
Tỉa cành tạo tán sao cho khi trưởng thành cây có 1 thân với các cành chính mọc ngang đều quanh thân; tán cây hình kim tự tháp hay hình dù nhọn. Tỉa bớt các cành mọc dày trong tán và cành mọc thấp hơn 1 m. Dùng dây hay cọc để uốn cành mọc thẳng góc với thân chính. Cành mọc xà dùng dây hay cọc buộc nâng lên và ngược lại nhằm tạo dáng mũi thuyền cho cành chính.
Hàng năm sau thu hoạch, tỉa cành vượt, cành mọc dày, cành mọc đan chéo, cành nhiễm sâu bệnh kết hợp với tỉa quả còn sót trên cây. Tỉa các phần cành giao tán giữa các cây. Thường xuyên tỉa chồi mọc trên cành chính. Khống chế chiều cao của cây ở mức 6 – 7 m.
– Tưới nước và quản lý cỏ dại
Nếu tưới bồn, tưới 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 150 – 300 lít/cây. Với hệ thống tưới phun dưới tán, nên tưới hàng ngày, mỗi tuần 200-300 lít/cây.
Nên làm cỏ sạch dưới tán bằng biện pháp thủ công hay dùng thuốc trừ cỏ. Duy trì cỏ quanh tán và khống chế bằng cách cắt cỏ 4-6 lần mỗi năm. Cây cỏ phủ đất có thể dùng lạc dại.
– Bón phân
+ Ở giai đoạn cây chưa cho quả: Phân vô cơ có thể dùng NPK 16-16-8 hay 20-20-15 bón 0,5–1 kg/cây/năm ở năm thứ 1, chia làm nhiều lần bón. Những năm sau, mỗi năm tăng khoảng 1-1,5 kg/cây/năm cho đến khi cây chuyển sang giai đoạn cho quả. Phân gà hoai, mỗi cây bón 5–10 kg/năm ở năm 1, sau đó tăng thêm 5-10 kg/cây những năm sau cho đến giai đoạn cho quả.
+ Giai đoạn cây cho quả: Phân gà hoai 30 – 60 kg/cây/năm; phân vôi 2-5 kg/cây/năm.
– Phân vô cơ chia làm 4 lần bón:
+ Sau thu hoạch: Bón 2 – 4 kg/cây phân NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8.
+ Trước khi ra hoa: Bón phân super lân 1 – 3 kg/cây; sunphat kali bón 0,5-1 kg/cây.
+ Giai đoạn trái non: Bón Urea 1 – 2 kg/cây; sunphat kali bón 0,3 – 0,5 kg/cây.
+ Trước thu hoạch 4-5 tuần: Bón sunphat kali 0,3 – 0,5 kg/cây.
Phân hữu cơ và vôi nên bón sau thu hoạch. Phân vô cơ chia ra các lần bón. Khi bón, đào hố hoặc rãnh quanh rìa tán cây, cho phân vào và lấp đất lại. Tưới bổ sung nếu đất không đủ ẩm.
– Tưới bổ sung Phân sinh học SUPAGRO định kỳ 15 – 30 ngày/lần tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho cây. Tưới SUPAGRO 2 lần trước khi xử lý đậu trái tăng khả năng ra hoa mạnh.
– Tỉa quả
Tỉa quả có thể thực hiện 2 lần khi đậu quả và khi quả cỡ quả cam. Loại bỏ quả méo mó, dị tật, nhiễm sâu bệnh. Tỉa bớt những quả mọc thành chùm. Giữ lại quả to tròn, lành lặn.
–Phòng trừ sâu bệnh
Sâu hại quan trọng trên sầu riêng là rầy nhảy (Allocaridara maleyensis), sâu đục quả (Conogethes punctiferalis), bọ cánh cứng đục thân. Rầy nhảy hại chủ yếu trên lá non, phun thuốc hóa học khi thấy 5-10% số lá có rầy. Bón phân tưới nước đồng loạt để cây ra chồi tập trung dễ phòng trừ. Sâu đục quả gây hại từ trái non đến trưởng thành, có thể áp dụng biện pháp bao trái hay phun thuốc hóa học, thu dọn vệ sinh trái rụng. Tỉa những những trái mọc thành chùm, cách ly những trái mọc dính nhau. Bọ cánh cứng đục thân có ít nhất hai loài gây hại sầu riêng. Tìm lỗ đục tiêm dung dịch thuốc hay phun thuốc hóa học vào khu vực có lỗ đục để diệt sâu.
Bệnh hại quan trọng trên sầu riêng là bệnh Phytophthora (Phytophthora palmivora), bệnh cháy lá (Rhizoctonia solani) và bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor). Bệnh Phytophthora gây hại trên rễ gây thối rễ, trên gốc, thân và cành gây thối vỏ chảy nhựa, ngoài ra còn gây hại trên lá và quả. Ngăn ngừa bằng cách không để vườn cây bị ngập nước và thoát nước thật tốt, tỉa cành tạo tán, vườn cây thông thoáng, ngăn ngừa nguồn bệnh xâm nhập vào, hạn chế gây vết thương lên rễ, bón nhiều phân hữu cơ có bổ sung nấm đối kháng Trichoderma. Cạo sơ vết bệnh trên thân và bôi thuốc dung dịch thuốc Aliette 80WP hay Agri-fos 400 hay có thể phun thuốc lên tán. Tiêm thân với dung dịch Argri-fos 400 cũng là một lựa chọn, thích hợp cho trường hợp thối gốc và rễ. Đối với bệnh cháy lá và nấm hồng, tiêu hũy bộ phận nhiễm; phun với dung dịch thuốc Validacin 5L hay Anvil 5SC.
– Thu hoạch, bảo quản
Có thể dựa vào thời gian từ đậu quả đến thu hoạch của từng giống để dự định thời gian thu hoạch. Nên thu hoạch trái vào thời điểm đầu gai của trái hóa nâu một đoạn dài 5- 7mm. Tuy nhiên, mỗi giống cần kinh nghiệm để xác định độ chín riêng. Sau thu hoạch, không để trái chạm đất, đặt quả nơi khô ráo thoáng mát. Nên thu hoạch buổi sáng, trời khô ráo.
Kỹ thuật tăng năng suất
- Che phủ đất bằng phân hữu cơ, rơm rạ giữ ẩm và dinh dưỡng cho đất.
- Hỗ trợ thụ phấn bằng tay buổi tối để tăng tỷ lệ đậu quả.
- Sử dụng giống sầu riêng năng suất cao. Cải tạo giống bằng kỹ thuật ghép.
- Áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, phân bón.
Thu hoạch và bảo quản
- Xác định thời điểm chín và thu hoạch đúng lúc.
- Thu hoạch buổi sáng sớm, trời khô ráo.
- Sau thu hoạch, sơ chế và bảo quản quả đúng cách để giữ chất lượng.
Như vậy, để trồng và chăm sóc sầu riêng hiệu quả cần lưu ý đến điều kiện sinh thái, lựa chọn đất đai, giống cây, các biện pháp kỹ thuật canh tác và bảo vệ. Đặc biệt, việc bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, phòng trừ sâu bệnh tích cực và thu hoạch đúng lúc là yếu tố then chốt quyết định năng suất và chất lượng của vụ sầu riêng. Áp dụng đúng kỹ thuật sẽ giúp vườn sầu riêng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Biên tập viên
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
KỸ THUẬT TRỒNG CAM SÀNH
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối
Tìm hiểu về giống Lựu Peru
Cục Trồng trọt ban hành quy trình kỹ thuật cắt tỉa và thu hoạch sầu riêng
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THU HOẠCH SẦU RIÊNG Ở BẾN TRE
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY BƠ SÁP ĐẠT NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG CAO
Tìm hiểu giống sầu riêng Ri6 – Dòng sầu riêng hạt lép, cơm vàng giá bán cao
Cây Sầu Riêng Thái monthong – Đặc sản Thái Lan dễ trồng, năng suất cao